Suy diễn chủ quan, phiến diện – mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Admin
Đăng ngày 13/01/2025
61
Chia sẻ

Ở cơ quan, đơn vị hay trong đời sống, chúng ta có thể bắt gặp những người chuyên chắp nối các sự việc, hiện tượng riêng lẻ mà họ nắm bắt được để từ đó suy diễn, hình thành nên câu chuyện mang màu sắc của “thuyết âm mưu”. Suy diễn như vậy luôn tạo ra sự ngờ vực, mất đoàn kết, mất niềm tin, là mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Suy diễn là suy ra điều này, điều nọ một cách chủ quan”. Nghĩa là trước một vấn đề, một sự kiện nào đó nổi cộm hoặc liên quan đến quyền lợi của một người, họ sẽ nhìn nhận, suy đoán, phán xét, hướng lái vấn đề theo quan điểm cá nhân. Như vậy, các vấn đề, sự kiện, nội dung suy diễn sẽ bị chi phối bởi lợi ích và trình độ nhận thức của người suy diễn.

Tiếp cận theo góc độ đó thì suy diễn là hoạt động tâm lý âm thầm diễn ra trong tư tưởng của một con người. Sau một quá trình suy diễn, họ thường có xu hướng tìm những người đồng cảm, nhóm đồng cảm, nhóm chung để chia sẻ, cùng bình luận về vấn đề đang được bản thân họ “mổ xẻ”. Như vậy, suy diễn có thể diễn ra trong suy nghĩ, nhận thức, tư tưởng của một cá nhân; cũng có thể diễn ra trong nhóm chung, trong nhóm người cùng sở thích, trong câu lạc bộ với nhau để thể hiện ý kiến, thái độ, bình luận, chia sẻ của mình đối với những vấn đề mà cá nhân và nhóm đang quan tâm.

Mỗi ngày, con người thường chịu tác động của nhiều thông tin trong công việc, cuộc sống, vì vậy có hàng nghìn suy nghĩ về nhiều vấn đề. Do đó, những vấn đề mà con người có thể suy diễn cũng rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, thường con người hay suy diễn tập trung vào những vấn đề mang tính nổi cộm trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hoặc vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến quyền lợi của bản thân.

Những vụ việc “nổi cộm”, “chấn động” thường thu hút sự chú ý và suy diễn, như vấn đề cán bộ giữ các trọng trách ở Trung ương, địa phương bị kỷ luật, bị xử lý hình sự vì tham nhũng, tiêu cực, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; chính sách A, quy định B đang dự thảo để ban hành; doanh nghiệp A, doanh nghiệp B phát triển “khủng”; tình hình chính trị – xã hội, vấn đề an ninh, an toàn; vấn đề nhân sự cán bộ trong bộ máy hệ thống chính trị, nhất là trước kỳ đại hội đảng… Hẹp hơn có thể là vấn đề liên quan đến nhân sự cán bộ trực tiếp ở cơ quan, đơn vị; vấn đề khen thưởng; kỷ luật nội bộ; chế độ, chính sách; mối quan hệ đoàn kết nội bộ…

Nếu như các lực lượng thù địch suy diễn rồi đơm đặt các vấn đề dẫn tới nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn, tạo hỏa mù chỉ là sự tác động từ bên ngoài đến đối tượng người nghe, người xem, người tiếp nhận thông tin thì suy diễn lại chịu tác động kép, nó vừa diễn ra ngay trong chính bản thân của một người, vừa chịu tác động của những thông tin nhiều chiều từ bên ngoài xoay quanh vấn đề đó. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn và nguy hiểm hơn là khi bản thân họ tin, hành động theo suy diễn của chính mình và được cộng hưởng bởi những thông tin nhiễu loạn khác.

Trước một sự kiện, một nhiệm vụ, một vấn đề, một vụ việc nổi cộm nào đó, nếu con người có bản lĩnh, biết cách suy nghĩ theo chiều hướng tích cực sẽ rất tốt. Ngược lại, sẽ rất nguy hiểm nếu trong tư tưởng của họ diễn ra quá trình suy diễn theo chiều hướng tiêu cực. Vì đó chính là khi người suy diễn tự đưa bản thân vào vòng xoáy của vấn đề tiêu cực, dẫn tới luẩn quẩn, hoài nghi, hoang mang, lung lay niềm tin, chính mình tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu không kịp thời tỉnh ngộ. Kế tiếp, nguy hiểm hơn là sự lan tỏa những suy nghĩ tiêu cực, những bình luận, những đánh giá vấn đề thiếu căn cứ, thiếu lập luận, thiếu kiểm chứng ấy cho nhiều người khác, gây ra “hiệu ứng” dây chuyền, mức độ ảnh hưởng rộng hay hẹp tùy thuộc vào vị thế xã hội của người suy diễn.

QĐND